Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc mang hai quốc tịch (song tịch) của công dân Việt Nam là một vấn đề được pháp luật quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo sự thống nhất và ổn định về quản lý quốc tịch. Căn cứ vào Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), công dân Việt Nam có thể được mang hai quốc tịch trong một số trường hợp nhất định sau đây:
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam
Trường hợp này thường áp dụng với những người Việt Nam sống lâu dài tại nước ngoài và mong muốn giữ liên kết pháp lý với quê hương.
Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rằng công dân Việt Nam định cư và đã nhập quốc tịch nước ngoài, có thể được giữ quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
- Nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài
Thông thường một người nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thường phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình. Tuy nhiên, Điều 19 của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định trong một số trường hợp đặc biệt, người đó có thể được Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ quốc tịch gốc nếu việc làm này được xem xét hợp lý, ví dụ:
- Người có đóng góp đặc biệt cho cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
- Người có lợi ích đặc biệt với Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
- Trẻ em có cha mẹ mang quốc tịch khác nhau hoặc trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi
Nếu cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người còn lại là công dân nước ngoài, con sinh ra có thể mang cả hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch của cha hoặc mẹ là người nước ngoài). Điều này được đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy trong trường hợp trẻ em là người mang quốc tịch Việt Nam được công dân nước ngoài nhận nuôi thì pháp luật Việt Nam vẫn cho phép trẻ em mang hai quốc tịch.
- Người Việt Nam tự nhiên có hai quốc tịch do quy định pháp luật của nước khác
Một số quốc gia tự động công nhận quốc tịch của trẻ em sinh ra trên lãnh thổ của họ (theo nguyên tắc Jus soli – quyền được quốc tịch theo nơi sinh), bất kể cha mẹ là công dân nước nào. Nếu cha mẹ của trẻ là công dân Việt Nam, trẻ cũng sẽ được công nhận mang quốc tịch Việt Nam (theo nguyên tắc Jus sanguinis – quyền được quốc tịch theo huyết thống). Trong trường hợp này, trẻ có thể được công nhận mang hai quốc tịch mà không cần các thủ tục đặc biệt.
- Các trường hợp khác được pháp luật Việt Nam và quốc tế công nhận
Luật Quốc tịch Việt Nam mở rộng khả năng công nhận hai quốc tịch trong các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kết luận:
Tóm lại, công dân Việt Nam có thể được mang hai quốc tịch trong các trường hợp được pháp luật quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người mang hai quốc tịch thì cần thực hiện đúng các thủ tục và tuân thủ quy định liên quan của cả hai quốc gia. Điều này nhằm đảm bảo tính pháp lý, tránh gây mâu thuẫn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
========================================
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PHẠM & CỘNG SỰ
Trụ sở: Lầu 2, Phòng 201, Toà nhà số 85, Đường số 3, KDC City Land, Phường 10, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Tư vấn trực tiếp: 0932.718.229
Email: phamyenlaw@gmail.com
Website: https://congtyluatphamvacongsu.com.vn