0902167636

Chiến thuật khám xét người trong khoa học điều tra tội phạm hình sự

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, những tài liệu, chứng cứ mà các cơ quan có thẩm quyền thu thập được như: công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật mang dấu vết tội phạm… luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định, chứng minh tội phạm và người phạm tội. Thực tế cho thấy, một phần đáng kể những tài liệu, chứng cứ này được thu thập thông qua hoạt động điều tra khám xét.

Khám xét là một trong những biện pháp điều tra có tính chất cưỡng chế, tác động đến những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Các quy định về khám xét và chiến thuật khám xét là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tác động hợp pháp đến quyền cơ bản của công dân, phát hiện, thu thập chứng cứ, tài liệu có ý nghĩa chứng minh trong vụ án, từ đó xác định phương hướng điều tra và sớm hoàn thành nhiệm vụ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

I. Khái quát về hoạt động khám xét:

  1. Khái niệm:

Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã, người bị bắt cóc.

Khám xét người là việc lục soát, tìm tòi trong người, quần áo đang mặc và các đồ vật đem theo, kể cả phương tiện đi lại của họ nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

  1. Mục đích của hoạt động khám xét:
  • Phát hiện, thu nhập những tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa đối với công tác điều tra như: vũ khí, công cụ, phương tiện phạm tội, những tài sản bị bọn phạm tội chiếm đoạt, những vật mang dấu vết tội phạm, những mẫu vật để nghiên cứu so sánh, những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến vụ án,… Đây là cơ sở để cơ quan điều tra vạch ra kế hoạch, phương hướng điều tra phù hợp.
  • Phát hiện, thu giữ những đồ vật, tài sản phục vụ cho việc bồi thường thiệt hại hoặc những đồ vật, tài liệu thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành, để phục vụ cho việc thi hành án sau này.
  • Phát hiện tội phạm đang có lệnh truy nã, xác chết hoặc người bị bắt cóc.
  1. Chiến thuật khám xét:

(1) Chuẩn bị khám xét:

Trước hết, cần nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tình hình khác có liên quan đến quyết định khám xét. Hoạt động khám xét chỉ được tiến hành khi có căn cứ quy định tại Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Vì vậy, trước khi ra quyết định khám xét, điều tra viên cần nghiên cứu kỹ những tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thu thập bằng các hoạt động điều tra và những tài liệu trinh sát để xác định căn cứ khám xét. Trường hợp cần thiết có thể phải tiến hành các biện pháp điều tra khác như hỏi cung bị can, lấy lời khai,… để thu thập, bổ sung hoặc kiểm tra những tài liệu làm căn cứ khám xét.

Tiếp theo, nghiên cứu đối tượng khám xét. Việc nghiên cứu các đặc điểm của đối tượng khám xét tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra trong việc xác định phương pháp khám xét, dự kiến thành phần lực lượng cần huy động, các phương tiện cần thiết, những tình huống phức tạp có thể xảy ra khi khám xét và các biện pháp giải quyết phù hợp.

Căn cứ vào tính hình tài liệu đã thu thập được, điều tra viên cần lập kế hoạch chi tiết cho cuộc khám xét. Trong bản kế hoạch phải có các nội dung sau: xác định mục đích, yêu cầu cuộc khám xét; thời gian tiến hành khám xét; dự kiến thành phần lực lượng tiến hành và tham gia khám xét; dự kiến những phương tiện cần thiết cho cuộc khám xét; dự kiến quá trình tiến hành khám xét, những tình huống phức tạp có thể xảy ra và biện pháp giải quyết.

(2) Tiến hành khám xét:

Trước khi xuất phát, người chủ trì cần phổ biến và giải thích kế hoạch khám xét cho các thành viên trong tổ lần cuối, phân công nhiệm vụ cho từng người và kiểm tra việc chuẩn bị cụ thể của họ. Việc tiếp cận đối tượng khám xét của các lực lượng phải nhanh chóng, phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, theo đúng kế hoạch đã vạch sẵn.

Khi đến địa điểm cần khá xét, lực lượng tiến hành phải nhanh chóng bước vào và triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cuộc khám xét, tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết. Nếu gặp sự chống cự, cản trở phải khắc phục ngay. Nếu đương sự và người nhà cố tình vắng mặt, bỏ trốn mà việc khám xét không thể trì hoãn thì lực lượng tiến hành khám xét tự mở cửa hoặc phá cửa để đột nhập vào.

Sau khi đột nhập vào, điều tra viên cần xác định chính xác đối tượng cần khám xét. Tiếp theo, giới thiệu thành phần lực lượng khám xét và đọc lệnh khám xét. Đọc xong phải đưa cho đương sự xem lệnh khám xét và giải thích quyền và nghĩa vụ của đương sự. Trước khi khám xét, yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án nếu đương sự từ chối thì thực hiện như theo kế hoạch đã vạch sẵn.

(3) Kết thúc khám xét:

Khi kết thúc khám xét, trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm là một văn bản tố tụng, phản ánh toàn bộ diễn biến và kết quả của cuộc khám xét nên phải được lập theo như quy định tại các Điều 95, 148 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Cụ thể trong biên bản khám xét phải ghi rõ địa điểm, ngày tháng năm tiến hành khám xét, thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc khám xét; những đồ vật, tài liệu đã tiến hành thu giữ,… phù hợp với quy định của pháp luật. Và phải lập biên bản khám xét tại nơi tiến hành việc khám xét và phải được đọc lại cho mọi người tham gia việc khám xét, người bị khám xét, chủ nhà, người chứng kiến nghe, cùng kí tến xác nhận và phải giao cho người bị khám xét một bản. Không được ghi nhận những nhận xét chủ ưuan vào biên bản. Trong trường hợp phải thu giữa nhiều vật chứng và tài liệu có liên quan đến vụ án thì có thể lập bản thống kê kèm theo. Việc lập, thông qua, ký xác nhận bản thống kê phải theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc lập biên bản khám xét, sau khi khám xét xong, cần tự mình hoặc yêu cầu đối tượng và thân nhân của họ sắp xếp gọn gàng lại đồ đạc trong khu vực khám xét. Những đồ vật, tài liệu thu giữ phải được bảo quản phù hợp để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển chúng về cơ quan điều tra. Những đồ vật cần niêm phong theo đúng thủ tục pháp luật quy định.

II. Chiến thuật khám xét người:

  1. Đối tượng bị khám xét: Đối tượng bị áp dụng biện pháp khám xét có thể là bị can, bị cáo. Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc những người có mặt tại hiện trường mà cơ quan tiến hành điều tra có tài liệu, chứng cứ cho rằng trên người họ có mang công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật do phạm pháp mà có hoặc những đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
  2. Trình tự khám xét: Việc khám xét người thường được tiến hành theo hai bước: khám xét sơ bộ và khám xét chi tiết.
  • Khám xét sơ bộ được tiến hành ngay khi bắt giữ đối tượng nhằm mục đích tước vũ khí, chất độc và thu giữ vật chứng dễ tìm. Điều này nhăm ngăn chặn đối tượng tự sát để giữ bí mật hoặc nhằm bảo vệ cán bộ điều tra không bị tấn công bởi đối tượng. Khi khám xét đối tượng bị bắt, cần kiểm tra ở khu vực xung quanh, đề phòng đối tượng tẩu tán vũ khí, đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án ra những nơi đó. Chỉ khi nào có căn cứ để khẳng định chắc chắn rằng người bị bắt đã bị tước hết vũ khí, chất độc mới gải về nơi giam giữ.
  • Khám xét chi tiết phải được tiến hành ở nơi kín đáo như trụ sở cơ quan điều tra, một căn phòng, một ngôi nhà nào đó và không để những người không có trách nhiệm có mặt tại nơi này nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc khám xét, danh dự, nhân phẩm cho người bị khám xét

Việc khám xét phải tuân theo những trình tự, thủ tục của Điều 194 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định: Khi bắt đầu khám xét người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ; Tiếp theo, người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét; Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

Như vậy, hoạt động khám người được bắt đầu bằng việc đọc lệnh khám của người thi hành lệnh. Đây chính là cơ sở, căn cứ trực tiếp cho việc áp dụng hoạt động khám xét người. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khẩn trương, hiệu quả của hoạt động khám xét, việc khám người có thể tiến hành ngay, không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật, tài liệu cần thu giữ.

       3. Cách thức khám xét:

Khi tiến hành hoạt động khám xét, tùy trong từy trường hợp cụ thể mà bố trí tiến hành hoạt động khám xét cho phù hợp. Thông thường, khi tiến hành khám xét một đôi tượng thì một người trực tiếp khám xét và một người bảo vệ. Khi cần khám xét nhiều đối tượng thì số lượng cán bộ trực tiếp khám xét và bảo vệ cuộc khám xét cần ở mức độ đủ để hoạt động khám xét được tiến hành nhanh chống và hiệu quả. Khi khám xét đối tượng nguy hiểm cần có những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng đối tượng chạy trốn, hành hung, tấn công lại cán bộ khám xét. Ví dụ: Có những vụ án cán bộ tập kích tại quán bar để bắt giữ những đối tượng sử dụng ma tuý, trong quá trình test nhanh với ma tuý cần có một số lượng cán bộ thích hợp để trấn giữ các đối tượng để tránh trường hợp những đối tượng này làm liều, chen lấn, xô đẩy nhau để tẩu thoát.

Khám người được tiến hành theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Khi khám xét phải được yêu cầu đối tương đứng im, không được động đậy, hông được bỏ tay vào túi quần, để mọi đồ vật, tài liệu có ở trong người lên mặt bàn. Có thể yêu cầu đối tượng cới hết quần, áo đang mặc, giày, dép để đưa cho cán bộ khám xét. Trong trường hợp này, cần đưa cho họ một bộ quần áo khác hoặc một mảnh vải để che người. Cần khám kỹ ở những nơi có hai lần vải như: lai quần, bọc quần, cổ áo sơ mi, các đường viền áo,…; Hoặc dưới đế giày, dép, đề phòng trường hợp đối tượng sư dụng những nơi đó làm nơi cất giấu những đồ vật, tài liệu có kích thước nhỏ như: tiền, vàng, chất độc, giấy tờ, tài liệu, tép ma tuý …

Khi đối tượng đã cới hết quần áo thì bắt đầu khám thân thể của họ. Cần khám kỹ ở những nơi kín đáo trên cơ thể, trong các lỗ tự nhiên. Đối với những đồ vật mang theo người như va ly, ví, cặp, hòm,… và những phương tiện đi lại cần được khám xét tỷ mỉ. Chú ý cả trong và ngoài, đề phòng trường hợp đối tượng sử dụng va ly, hòm hai đáy; cặp, túi hai thành… Bởi công nghệ tiên tiến hiện đại ngày nay có thể sản xuất ra những va ly, túi có những ngăn chứa bí mật để cất giữ đồ vật mà chúng ta không thể lường trước được.

Khi khám xét người phải tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị khám. Không được có hành vi trái pháp luật, đạo đức khi khám xét. Khi tiến hành khám xét phải tuân thủ những quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khám xét các đối tượng cụ thể được quy định tại Điều 194 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Nguyên tắc này vừa là nội dung quan trọng thể hiện sự tôn trọng, đề cao thân thể con người vừa phản ánh tính nhân văn, tiến bộ, ưu việt của pháp luật Việt Nam so với pháp luật của một số nước khác trên thế giới, điển hình là Nhật Bản chưa có khung pháp lý điều chỉnh nội dung này.

III. Tình huống mà Cơ quan điều tra tổ chức và thực hiện chiến thuật khám xét người:

  1. Tình huống: Điển hình là vụ án người đàn ông nuốt 1,6 kg ma túy trong bụng đi qua 4 quốc gia. Với thủ đoạn hết sức tinh vi, đối tượng đã nuốt 77 viên ma túy, nặng 1,6kg trị giá 10 tỷ đồng, di chuyển trót lọt qua 4 quốc gia và chỉ bị bắt khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Chiều 12/8/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an vừa phối hợp cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất bắt giữ vụ vận chuyển gần 1,6kg cocain từ Châu Phi về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Qua tiến hành biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện nam hành khách người Senegal, có tên D.H (39 tuổi) trên chuyến bay BL30 có hành trình từ Nigeria qua Ethiopia đến Thái Lan rồi về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi D.H hoàn tất thủ tục nhập cảnh, lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng này không hợp tác, hết sức manh động, chống đối sự kiểm tra hải quan, buộc các lực lượng chức năng phải khống chế, áp tải đối tượng qua soi chiếu bằng máy soi người. Từ đây, phát hiện ma túy trong ổ bụng H.

Đối tượng bị bắt giữ và đưa đến Bệnh viện Quân y 175 để ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra, đồng thời sử dụng các biện pháp y khoa để lấy ma túy trong bụng. Sau hơn 2 ngày đêm lực lượng chức năng đã thu giữ được 77 viên ma túy. Đối tượng khai nhận, đã nuốt tổng cộng 77 viên nén chứa cocain (được gói kín giống hình dạng như viên thuốc nhộng, chiều dài 5cm, đường kính 1cm) trong bụng nhằm trốn tránh sự phát hiện. Với thủ đoạn hết sức tinh vi trên, đối tượng đã di chuyển trót lọt qua 4 quốc gia và chỉ bị bắt khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Được biết, số ma túy này nếu trót lọt sẽ có giá trên thị trường “chợ đen” gần 10 tỷ đồng.

Tang vật thu giữ trong vụ án người đàn ông ông nuốt 1,6kg ma túy trong bụng đi qua 4 quốc gia

/var/folders/s1/pw_19hpj28v7bw52qhv_ndrr0000gn/T/com.microsoft.Word/WebArchiveCopyPasteTempFiles/thumb_660_6d6bd499-a397-4b22-93d2-28b8796d1bf9.jpg

Một số hình ảnh cất giữ ma tuý tinh vi của đối tượng

Những thủ đoạn giấu ma túy tinh vi bị phát hiện - VnExpress

 

Việt Nam: “Bà bầu rởm” với cái bụng quấn “hàng trắng” - Sputnik Việt Nam

2. Bình luận về chiến thuật khám xét người của cơ quan điều tra:

Có thể thấy trong vụ án nêu trên, lực lượng khám xét đã được bố trí một cách hợp lý và có chuyên môn nghiệp vụ cao. Có sự kết hợp giữa Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất bắt giữ vụ vận chuyển cocain. Cần thiết có sự phối hợp này bởi đặc điểm của đồ vật tài liệu cần thu thập trong các vụ án ma túy như heroin, các loại ma túy tổng hợp,… thường có kích thước nhỏ bé, không có các đặc điểm riêng biệt để nhận biết với các dạng vật chất cùng loại khác như đường, muối, các loại bột màu trắng không phải ma túy. Hơn nữa, cùng với thủ đoạn cất giấu ngày càng tinh vi của các đối tượng phạm tội gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và thu thập trong khám xét. Trong vụ việc trên, đối tượng đã nuốt túi đựng ma túy vào trong người, gây khó khăn đối với quá trình khám đối tượng của Cơ quan điều tra.

Xuất phát từ bản chất của biện pháp khám xét là một biện pháp điều tra phức tạp. Quá trình áp dụng biện pháp khám xét thì dễ đụng chạm vào các quyền cơ bản của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở, về danh dự, về nhân phẩm, về tài sản… có thể làm cho các đối tượng gây khó khăn, cản trở cho cuộc khám xét. Mặt khác, xuất phát từ quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với các lực lượng khác trong quá trình tham gia khám xét như Cảnh sát khu vực, người đại diện chính quyền địa phương hoặc Bộ đội biên phòng không đảm bảo được yếu tố bí mật, dẫn đến đối tượng phát hiện ra lực lượng khám xét, làm cho cuộc khám xét không thu được đầy đủ đồ vật tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng. Trong tình huống trên, các cán bộ đã làm rất tốt công việc của mình. Qua tiến hành biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện nam hành khách D.H có hành trình từ Nigeria qua Ethiopia đến Thái Lan rồi về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau hoàn tất thủ tục nhập cảnh, lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng này không hợp tác, hết sức manh động, chống đối sự kiểm tra hải quan. Đây chính là một điểm yếu của đối tượng, bởi khi bị bắt giữ hung thủ thường có xu hướng chống trả quyết liệt. Vì vậy, các lực lượng chức năng càng có căn cứ để khống chế, áp tải đối tượng qua soi chiếu bằng máy soi người. Từ đây, phát hiện ma túy trong ổ bụng H.

Lực lượng chức năng đã bố trí người canh giữa hơn 2 ngày đêm, sau khi đối tượng bị bắt giữ và đưa đến Bệnh viện Quân y 175 để ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra, đồng thời sử dụng các biện pháp y khoa để lấy ma túy trong bụng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được 77 viên ma túy (được gói kín giống hình dạng như viên thuốc nhộng, chiều dài 5cm, đường kính 1cm). Qua đó, ta có thể thấy được vai trò quan trọng và sự cần thiết của hoạt động khám xét người

Kết luận: Khám xét là một trong những biện pháp điều tra có vai trò quan trọng trong quá trình phát hiện, thu thập những chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án hình sự. Khi thực hiện tốt biện pháp điều tả này, các cơ quan chức năng sẽ có những nhận định, những định hướng chính xác cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự. Trong tình hình ở nước ta hiện nay, tội phạm ngày càng trở nên phức tạp, manh động và liều lĩnh, để đấu tranh làm rõ tội phạm cũng như khai mở rộng vụ án đòi hỏi Cơ quan điều tra cần nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là hoạt động khám xét người sẽ góp phần thu thập được đầy đủ vật chứng của vụ án góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra khám phá, ngăn chặn tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

========================================

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PHẠM & CỘNG SỰ

Trụ sở:  Lầu 2, Phòng 201, Toà nhà số 85, Đường số 3, KDC City Land, Phường 10, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

Tư vấn trực tiếp: 0932.718.229

Email: phamyenlaw@gmail.com

Website: https://congtyluatphamvacongsu.com.vn

Bài viết liên quan